Loại cây thần dược chữa bệnh gan
Không nên tự ý sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào, dù là thuốc từ thảo dược đã được chứng minh về tính hiệu quả và an toàn. Việc điều trị đúng cách không chỉ có lợi cho cá nhân mà còn là một đóng góp quan trọng vào nỗ lực giảm nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng.
Theo y học cổ truyền dân tộc, rễ cà gai leo gọi là thích gia căn, cành gọi là thích gia đằng. Thuốc có vị hơi the, tính ấm, hơi độc, có tác dụng tán phong thấp, tiêu độc, tiêu đờm, trừ ho, giảm đau, cầm máu. Nhân dân dùng để trị các chứng cảm cúm, dị ứng, ho gà, đau lưng, nhức xương, thấp khớp, rắn cắn. Liều dùng 16 – 20g rễ hoặc thân lá, dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc viên. Ngậm dịch sắc, cao lỏng cà gai leo để chữa viêm lợi, viêm quanh răng. Giã nát thân lá tươi, vắt lấy nước uống, lấy bã đắp tại chỗ trong các trường hợp đau nhức, thấp khớp, rắn cắn. Rễ cà gai leo có tác dụng đặc biệt là phòng chống say rượu. Chính từ tác dụng độc đáo này mà các nhà khoa học nghĩ đến khả năng giải độc gan của cà gai leo và bắt đầu cuộc tìm kiếm vị thuốc quý ứng dụng trong điều trị bệnh gan.
Năm 1998, nhóm nghiên cứu của học viện Quân y đã chứng minh tác dụng giải độc gan của cao chiết từ cà gai leo (uống liều 6g/kg) trên mô hình TNT (Trinitrotoluen). Kết quả cho thấy thuốc nghiên cứu làm giảm ALT và bình thường hoá mô học gan có ý nghĩa thống kê. Còn kết quả nghiên cứu của PGS.TS Phạm Kim Mãn và TS Nguyễn Thị Minh Khai (viện Dược liệu trung ương) cho thấy glycoalkaloid trong cà gai leo có tác dụng ức chế sự sao chép và làm âm tính virút viêm gan B, đồng thời có khả năng chống oxy hoá, giảm phát triển xơ gan trên mô hình thực nghiệm. Hợp chất này không thể hiện tác dụng phụ trên người khoẻ mạnh. Trên 60 bệnh nhân viêm gan B mạn tính hoạt động, 66,7% bệnh nhân nhóm sử dụng cà gai leo đạt mức rất tốt và tốt.
Đề tài “Nghiên cứu điều trị hỗ trợ bệnh nhân viêm gan virút B mạn tính thể hoạt động bằng thuốc từ cà gai leo” là một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba được thực hiện trên 90 bệnh nhân viêm gan B mạn tính thể hoạt động được uống chế phẩm từ cà gai leo hai tháng liên tục. Nghiên cứu được thực hiện tại ba bệnh viện 103, 354 và 108 đã rút ra những kết luận quan trọng là: cà gai leo giảm nhanh các triệu chứng lâm sàng của viêm gan B (mệt mỏi, đau tức hạ sườn phải, nước tiểu vàng, da và niêm mạc vàng…), bình thường hoá men gan và bilirubin nhanh hơn nhóm đối chứng; mất HBsAg 5,6%; chuyển đổi huyết thanh 37,8%, giảm nồng độ HBV-DNA trung bình 52%; thuốc không thể hiện tác dụng bất lợi trên lâm sàng và xét nghiệm.
Mới đây, một luận án tốt nghiệp tiến sĩ dược học cho thấy glycoalkaloid của cà gai leo cũng tác dụng trên hệ miễn dịch, trên tế bào ung thư, trên gen gây ung thư của virút và gen ức chế ung thư p53 và Rb. Ngoài ra, một số kết quả nghiên cứu khác cho thấy cà gai leo có tác dụng chống độc với nọc rắn hổ mang trên chuột nhắt, làm tăng tỷ lệ chuột sống so với nhóm đối chứng. Thuốc có tác dụng chống co thắt phế quản, kéo dài thời gian chịu đựng của chuột trong buồng khí dung.
Cứu tinh duy nhất cho bệnh nhân viêm gan B?
Viêm gan B đã trở thành một tai ương thầm lặng của nhân loại, cũng là nguyên nhân chủ yếu đưa đến ung thư gan ác tính. Trong đó, châu Á là khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao. Ước tính ở Việt Nam có 10 – 20% dân số nhiễm bệnh. Chính vì thế, thuốc điều trị viêm gan B cũng tăng dần về chủng loại và số lượng, để tương thích với từng giai đoạn của bệnh cũng như với từng thể trạng, thể bệnh. Mặc dù đã có những minh chứng về hiệu quả đối với viêm gan siêu vi B, nhưng cho đến nay, chế phẩm có thành phần cà gai leo vẫn chỉ là hỗ trợ điều trị. Sản phẩm có trên thị trường ngoài bao bì có ghi rõ hàng chữ “không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Người bệnh cần phải tham vấn và điều trị bởi các thầy thuốc chuyên khoa. Căn cứ vào tình trạng sức khoẻ của mỗi người và dự báo diễn tiến của bệnh, bác sĩ sẽ cho phương án điều trị tốt nhất. Không nên tự ý sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào, dù là thuốc từ thảo dược đã được chứng minh về tính hiệu quả và an toàn. Việc điều trị đúng cách không chỉ có lợi cho cá nhân mà còn là một đóng góp quan trọng vào nỗ lực giảm nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng.
Leave a Reply