Kim Ngân Hoa: Có những tính dược gì đặc biệt?
Nếu sốt cao, tại chỗ sưng đau nhiều thêm thạch cao 40g; Hoàng cầm, Chi tử sống, Đan bì, mỗi vị 12g; Hoàng liên 8g. Sắc uống ngày một thang.
Tên khác: Nhẫn đông, Ngân hoa, Song hoa, Nhị hoa, Boóc kim ngần (Tày), Chừa giang khằm (Thái), Japanese honeysuckle (Anh), Chèvrefeuille du Japon (Pháp)..
Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb.; Lonicera dasystyla Rehd.; Lonicera confusa DC.; Lonicera cambodiana Pierre, họ Cơm cháy (Caprifoliaceae)
Mô tả:
Loài loài Lonicera japonica Thunb : Kim ngân là loại dây leo, thân to bằng chiếc đũa dài tới 9-10m, có nhiều cành, lúc non màu xanh, khi già màu đỏ nâu. Lá hình trứng, mọc đối, phiến lá rộng 1,5-5cm dài 3-8cm. Lá cây quanh năm xanh tươi, mùa rét không rụng do đó còn có tên là nhẫn đông (chịu đựng mùa đông). Hoa mẫu 5 mọc thành xim 2 hoa ở kẽ lá. Hoa thơm khi mới nở có màu trắng, về sau chuyển thành vàng. Vì trên cây cùng có hoa trắng và hoa vàng nên mới gọi là kim ngân. Tràng hoa cánh hợp dài 2-3cm chia làm 2 môi dài không đều nhau, một môi rộng lại chia thành 4 thuỳ nhỏ. Năm nhị đính ở họng tràng, mọc thò ra ngoài. Quả mọng hình cầu màu đen.
Đặc điểm hoa của 3 loài:
L. japonica có tràng dài 2-3cm, đường kính ống tràng phía trên 3mm, đường kính phía dưới 1,5mm, nhiều lông. Bầu nhẵn.
L. confusa có tràng dài 1,6-3,5cm, đường kính ống tràng 0,5-2mm, có nhiều lông. Bầu có lông.
L. dasystila có tràng dài 2,5-4cm, đường kính ống tràng 1-2,5cm, không lông. Vòi nhuỵ có nhiều lông dài ở phần dưới.
Bộ phận dùng: Hoa sắp nở (Kim ngân hoa – Flos Lonicerae), cành nhỏ và lá (Kim ngân cuộng – Caulis cum folium Lonicerae).
Phân bố: Cây mọc hoang ở các miền rừng núi như Cao bằng, Hoà bình, Thanh hoá, Lào cai…
Thu hái: Hái hoa khi sắp nở vào mùa hạ, sấy khô hoặc xông sinh rồi phơi khô.
Tác dụng dược lý:
1. Kháng khuẩn: Thuốc có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như: tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lî, trực khuẩn ho gà, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, não cầu khuẩn, trực khuẩn lao ở người . cùng các loại nấm ngoài da, spirochete, virut cúm.
2. Chống viêm, làm giảm chất xuất tiết, giải nhiệt và làm tăng tác dụng thực bào của bạch cầu.
3. Tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh cường độ bằng 1/6 của cà phê.
4. Làm hạ cholesterol trong máu.
5. Tăng bài tiết dịch vị và mật.
6. Tác dụng thu liễm do có chất tanin.
7. Thuốc có tác dụng lợi tiểu.
Thành phần hoá học: flavonoid, saponin.
– Hoa và lá chứa flavonoid, chất chính là luteolin-7-rutinosid (lonicerin= scolymosid).
– Một số chất carotenoid: x-caroten, b-cryptoxanthin, auroxanthin.
– Acid chlorogenic và các đồng phân của nó.
– Lá có loganin và secologanin.
Công năng: Thanh nhiệt, giải độc, tán phong nhiệt.
Công dụng: Ung nhọt, ban sởi, mày đay, lở ngứa, nhiệt huyết độc lỵ, ho do phế nhiệt, đan độc (viêm quầng), cảm mạo phong nhiệt, ôn bệnh phát nhiệt.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 12 – 16g. Dạng thuốc sắc, hãm, cao, viên. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Trị chứng mẩn ngứa, dị ứng: 20 gr hoa Kim ngân, Thổ phục linh, Quyết minh tử (sao) mỗi vị 6 gr, Sinh địa, Mạch môn, Hoàng đằng mỗi vị 8 gr, Huyền sâm, Liên kiều mỗi vị 10 gr. Cho 800 ml nước, sắc còn 200 ml. Ngày dùng một thang, chia uống làm ba lần.
2. Chữa mụn nhọt: Tiên phương hoạt mệnh ẩm gồm Kim ngân hoa 16g, Trần bì 8g, Đương quy 12g, Phòng phong 8g, Bạch chỉ 8g, Cam thảo 4g, Bối mẫu 6g, Nhũ hương 4g, Một dược 4g, Thiên hoa phấn 8g, Tạo giác thích 4g, Xuyên sơn miếng. Ngày uống 3 lần cách xa bữa ăn 30 phút, uống 2 ngày 1 thang.
3. Chữa bệnh vảy nến: Ngân kiều tán (chuyển thành thang) gia giảm gồm Kim ngân hoa 16g, Liên kiều 16g, Ngưu bàng tử 8g, Kinh giới 12g, Trúc diệp 8g, Bạc hà 6g, Chi tử 6g, quả Ké 8g, Bồ công anh 12g, Hạ khô thảo 8g, Thổ phục linh 12g. Ngày uống 3 lần cách xa bữa ăn 30 phút, uống 2 ngày 1 thang.
4. Chữa bệnh tổ đỉa: Bạch ứng hoàn (chuyển thành thang) gia giảm gồm: Kim ngân hoa 16g, Quy vĩ 16g, Liên kiều 12g, Hoè hoa 8g, Thương truật 12g, quả Ké 12g, Hoàng bá 8g, Đại hoàng 6g, Hạ khô thảo 12g, Thổ phục linh 12g, Sài đất 8g, Bồ kết (đốt tồn tính, bỏ hạt). Ngày uống 3 lần cách xa bữa ăn 30 phút, uống 2 ngày 1 thang.
5. Trị cảm sốt: 40 gr hoa kim ngân, trúc diệp, kinh giới tuệ mỗi vị 16 gr, đạm đậu xị 20 gr, bạc hà, ngưu bàng tử, cát cánh mỗi vị 24 gr, liên kiều 40 gr. Tất cả mang sấy khô, tán bột, hoàn viên. Ngày uống 1- 2 lần, mỗi lần 12 gr.
6. Trị viêm tuyến vú: 20 gr Kim ngân hoa, 16 gr Cam thảo đất, 20 gr Bồ công nha, 20 gr Thông thảo, 50 gr Sài đất, sắc uống ngày một thang.
7. Chữa cảm cúm: Kim ngân 4g, Tía tô 3g, Kinh giới 3g, Mạn kinh 2g, Gừng 3 lát. Tất cả dùng lá phơi khô, sắc uống.
8. Chữa sởi: Hoa kim ngân 30g, cỏ Ban 30g. Dùng tươi, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống. Có thể phơi khô, sắc uống.
9. Chữa viêm phổi: Kim ngân hoa, Sinh địa, Huyền sâm, mỗi vị 20g; Địa cốt bì, Sa sâm, Mạch môn, mỗi vị 16g; Hoàng liên 12g, Xương bồ 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Kim ngân, Sinh địa, Huyền sâm, Mạch môn, mỗi vị 20g; Liên kiều, Uất kim, Đan bì, mỗi vị 12g, Hoàng liên, Thạch xương bồ, mỗi vị 6g. Sắc uống, ngày, một thang.
10. Chữa áp xe phổi giai đoạn viêm nhiễm, sung huyết khởi phát: Kim ngân, sài đất, bồ công anh, mỗi vị 20g; tang bạch bì, ý dĩ, mỗ vị 16g; kinh giới, hạnh nhân, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang.
11. Chữa áp xe phổi giai đoạn toàn phát: Kim ngân 20g; Hoàng đằng, Ý dĩ, mỗi vị 16g; Liên kiều, Hoàng liên, Đào nhân, mỗi vị 12g; đình lịch tử 8g. Sắc uống ngày một thang.
12. Chữa viêm gan virus (Ngũ linh thang gia giảm): Kim ngân 16g; Nhân trần 20g; Xa tiền 16g; Phục linh, ý dĩ, mỗi vị 12g; Trư linh, Trạch tả, đại phúc bì, mỗi vị 8g. Sắc uống, ngày một thang.
13. Chữa viêm gan mạn tính (Hoàng cầm hoạt thạch thang gia giảm): Kim ngân 16g; nhân trần 20g; hoàng cầm, hoạt thạch, đại phúc bì, mộc thông, mỗi vị 12g; phục linh, trư linh, đậu khấu, mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
14. Chữa viêm cầu thận cấp tính: Kim ngân, Bồ công anh, mỗi vị 20g; Mã đề 12g; vỏ Quýt, vỏ rễ Dâu, vỏ cau khô, Ngũ gia bì, Quế chi, mỗi vị 8g, vỏ Gừng 6g. Sắc uống ngày một thang.
15. Chữa viêm khớp dạng thấp (Bạch hổ quế chi thang gia vị): Kim ngân 20g; Thạch cao 40g; Tang chi, Ngạnh mễ, Hoàng bá, Phòng kỷ, mỗi vị 12g; Thương truật 8g; Quế chi 6g. Sắc uống ngày một thang.
16. Chữa sốt xuất huyết: Kim ngân hoa, rễ cỏ gianh, mỗi vị 20g; cỏ Nhọ nồi, hoa Hoè, mỗi vi 16g; Liên kiều, Hoàng cầm, mỗi vị 12g; chi tử 8g. Sắc uống gày một thang. Nếu khát nước, thêm Huyền sâm, Sinh địa (mỗi vị 12g); sốt cao, thêm Tri mẫu 8g.
17. Chữa đinh râu (Ngũ vị tiêu độc ẩm gia giảm): Kim ngân hoa, bồ công anh, tử hoa địa đinh, mỗi vị 40g; Cúc hoa, Liên kiều, mỗi vị 20g.
Nếu sốt cao, tại chỗ sưng đau nhiều thêm thạch cao 40g; Hoàng cầm, Chi tử sống, Đan bì, mỗi vị 12g; Hoàng liên 8g. Sắc uống ngày một thang.
18. Viêm bạch mạch cấp (Giải độc đại thanh thang gia giảm): Kim ngân, Đại thanh diệp, Sinh địa, mỗi vị 40g; Huyền sâm, chi tử sống, mỗi vị 12g; mọc thông 4g. Nếu sốt cao thêm Thạch cao 40g, Hoàng liên 4g. Sắc uống ngày một thang.
20. Chữa nhiễm khuẩn huyết (Thanh doanh thang gia giảm): Kim ngân hoa, sinh địa, mỗi vị 40g, huyền sâm, liên kiều, mỗi vị 20g; địa cốt bì, đan bì, tri mẫu, mạch môn, mỗi vị 12g; hoàng liên 6g. Sắc uống ngày một thang.
21. Chữa viêm phổi trẻ em: Kim ngân hoa 16g; Thạch cao 20g; Tang bạch bì 8g; Tri mẫu, Hoàng liên, Liên kiều, Hoàng cầm, mỗi vị 6g; Cam thảo 4g. Sắc uống.
22. Chữa co giật trẻ em (Hương nhu ẩm gia giảm): Kim ngân hoa 16g, hương nhu, biển đậu, mỗi vị 12g; hậu phác, liên kiều, mỗi vị 8g. Sắc uống.
23. Chữa viêm phẩn phụ cấp tính: Kim ngân, Liên kiều, Tỳ giải, Ý dĩ, mỗi vị 16g; Hoàng bá, Hoàng liên, Mã đề, Nga truật, mỗi vị 12g; Uất kim, Tam lăng, mỗi vị 8g, Đại hoàng 4g. Sắc uống ngày một thang.
24. Chữa viêm màng tiếp hợp cấp: Kim ngân 16g; Liên kiều,Hoàng cầm, Ngưu bàng tử, mỗi vị 12g; Chi tử 8g; Bạc hà, Cát cánh, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
25. Trị chứng béo phì kèm cao huyết áp, rối loạn lipid máu thuộc thể vị nhiệt (triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, nặng đầu, mỏi tay chân, khát nước): Lấy hoa Kim ngân, hoa Cúc, Sơn tra mỗi vị 10 gr, hãm khoảng 20 phút với nước sôi uống thay trà trong ngày.
Kiêng kỵ: Tỳ vị hư hàn không thực nhiệt, hoặc mồ hôi ra nhiều không nên dùng.
Leave a Reply